Hacker tấn công hàng loạt trang tin điện tử. Qua kiểm tra, Bộ Công an phát hiện 29 trang tin của nhà nước tồn tại những lỗ hổng và có nguy cơ bị hacker tấn công.
» Xem thêm: WannaCrypt là gì và cách phòng tránh virus WannaCrypt
Những con số đáng báo động:
Theo thông tin được công bố bởi Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA), Bộ Công an vừa tiến hành kiểm tra 80 trang tin, cổng thông tin điện tử của các cơ quan nhà nước và phát hiện 29 trang tin, cổng thông tin điện tử còn tồn tại lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng, có nguy cơ rất cao bị hacker xâm nhập và tấn công.
Không chỉ vậy, trong những tháng đầu năm 2018, gần 100.000 địa chỉ mạng của Việt Nam hàng ngày kết nối đến mạng lưới máy tính “ma”, có mức độ bị xâm nhập rất cao.
Thông tin từ Hiệp hội An toàn thông tin:
Ông Trịnh Ngọc Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội An toàn thông tin cho biết thêm, chỉ trong 3 tuần đầu tiên của năm 2018, đã có 75 trang web tại Việt Nam bị lợi dụng để thực hiện tấn công lừa đảo.
Đồng thời, hơn 139.000 máy tính bị chiếm quyền điều khiển do nhiễm virus đào tiền ảo.
Cũng trong năm qua, Việt Nam bị tấn công chủ yếu bởi mã độc, thay đổi giao diện web và tấn công lừa đảo.
Thực trạng này khiến Việt Nam xếp thứ 17 trong số các quốc gia có người dùng gặp nguy cơ lây nhiễm cao khi online, xếp thứ 2 trong số 15 quốc gia có mức độ lây nhiễm mã độc máy tính cao nhất.
Việc rò rỉ thông tin cá nhân rất đáng lo ngại:
Bên cạnh đó, những vụ việc rò rỉ thông tin cá nhân vẫn rất đáng lo ngại, nổi cộm là vụ việc 163 triệu tài khoản ZingID của VNG bị hacker công bố trên mạng.
Gần đây nhất là vụ 5 triệu email cùng 31.000 bản ghi giao dịch của Thế giới Di động bị rò rỉ khiến người dùng hoang mang.
“Việt Nam nằm trong tốp 10 quốc gia có khả năng mất thông tin nhất trên Facebook và có tới 35% trong 50 triệu người dùng internet tại Việt Nam có khả năng bị tấn công”, ông Minh nói.
Trí tuệ nhân tạo sẽ là mục tiêu tiếp theo?
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng, thế giới đang bước vào nền kinh tế số nên các doanh nghiệp buộc phải tiến hành chuyển đổi số để thích ứng và tồn tại bằng cách đưa hầu hết các hoạt động của mình lên không gian mạng, kết nối Internet.
Nguy cơ hacker tấn công từ các lỗ hổng:
Điều này tiềm ẩn nguy cơ lớn bị hacker khai thác lỗ hổng và tổ chức tấn công.
Hiện, các thành phần hệ sinh thái số như hạ tầng mạng, cloud computing, mạng lưới thiết bị IoT… đang là môi trường tiềm năng để giới tội phạm mạng hoạt động.
Khó khăn cũng đến nhiều hơn khi nhiều phương án bảo vệ an toàn thông tin truyền thống trước đây hiện không còn hiệu quả.
Sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo:
Cũng theo ông Nguyễn Thành Hưng, trong thời gian vừa qua, sự phát triển vượt bậc của trí tuệ nhân tạo (AI) đang thực sự là xu thế nóng, được áp dụng trong hầu hết các ngành nghề.
Trong đó, có không ít các doanh nghiệp an toàn an ninh mạng hiện nay đều đang dựa vào AI để tăng cường sức mạnh cho sản phẩm của mình nhằm giảm thiểu sai sót của con người.
Tuy vậy, xét về mặt nguy cơ, các hệ thống AI cũng đang được giới hacker mũ đen sử dụng.
Minh chứng rõ nhất là vào năm 2018 đã xuất hiện những mạng botnet tự tìm cách tấn công được vào các thiết bị IoT, tự trao đổi với nhau qua giao thức riêng.
Nguy cơ tấn công tới các thiết bị IoT:
Một số chuyên gia dự đoán năm 2019 có thể kỹ thuật này sẽ khá phổ biến để tấn công vào các thiết bị IoT.
Lãnh đạo Bộ TT&TT cho biết thêm, trên thế giới hiện nay có khoảng 7 tỷ thiết bị IoT, đến 2015 ước tính có 21 tỷ thiết bị, chiếm tổng số 65% thiết bị kết nối mạng trên toàn cầu.
Việt Nam hiện nay có khoảng 350 ngàn thiết bị IoT công khai trên mạng Internet, hầu hết là thiết bị camera giám sát, router, trong đó có khoảng 40% thiết bị bị ảnh hưởng bởi lỗ hổng an toàn thông tin.
Từ những vấn đề trên, Thứ trưởng cho rằng, thời gian tới các nguy cơ đã hiện hữu rõ ràng, đó là mã độc ngày càng thông minh hơn, có môi trường hoàn hảo hơn để hoạt động, nhắm vào các thiết bị IoT.
“Đây là thách thức lớn đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, doanh nghiệp, người dùng cá nhân và cộng đồng tại Việt Nam. Chúng ta cần quan tâm xử lý để tránh các hậu quả đáng tiếc”, Thứ trưởng Hưng nhận định.