Công nghệ 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT, mà còn là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong cuộc CMCN 4.0.
Tại cuộc tọa đàm “Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực viễn thông” do Ban Kinh tế Trung ương và Bộ Thông tin – Truyền thông (TT-TT) phối hợp tổ chức vừa diễn ra ở Hà Nội.
Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng, khẳng định mạng 5G không chỉ là cơ hội về dịch vụ kết nối, thay đổi thứ hạng viễn thông Việt Nam, cơ hội để phát triển ngành công nghiệp ICT, mà còn là cơ hội để Việt Nam bứt phá trong cuộc CMCN 4.0.
» Xem thêm: Triển khai thử nghiệm 5G Viettel là nhà mạng tiên phong
Vai trò của mạng 5G trong CMCN 4.0:
Nếu công nghệ thông tin được xem là hạ tầng của hạ tầng, mạng 5G chính là xương sống của kết nối hạ tầng ấy trong CMCN 4.0.
Mạng 5G tạo ra cuộc cách mạng về tốc độ lẫn sự ổn định cho thiết bị di động, xóa nhòa khoảng cách giữa tốc độ băng thông không dây và cố định cũng như kích hoạt làn sóng công nghệ, ứng dụng mới chưa từng có, có thể giải quyết các thách thức kết nối mọi lúc, mọi nơi, kết nối vạn vật.
Công nghệ 5G đang được những quốc gia phát triển hàng đầu trên thế giới nhìn nhận như là xương sống của CMCN 4.0, phương tiện để chiếm lĩnh vị thế trung tâm công nghệ của thế giới và giành được ưu thế trong kinh tế thế giới ở thế kỷ 21.
Những nỗ lực của Việt Nam trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G:
Hiện Việt Nam đã có những nỗ lực rất lớn trong việc triển khai 4G và hướng tới phát triển 5G.
Thời gian tới, Việt Nam cần có những chính sách phù hợp, thân thiện để triển khai nhanh, trở thành một trong những nền kinh tế mới nổi đầu tiên triển khai hệ sinh thái 5G.
Cụ thể, năm 1990 thế giới xuất hiện công nghệ 2G, chỉ 3 năm sau Việt Nam đã khai trương mạng điện thoại di động công nghệ số 2G. Sớm chấp nhận công nghệ 2G và thúc đẩy cạnh tranh, mạng di động Việt Nam đã từng vào top 20 thế giới.
Tuy nhiên, khi chuyển sang công nghệ 3G, 4G vì sự đi sau về công nghệ và thiếu nhân tố cạnh tranh mới, viễn thông của Việt Nam đang xếp hạng ở thứ 100.
Về mật độ thuê bao di động băng rộng, năm 2017 ITU xếp Việt Nam đứng thứ 115/193 quốc gia và vùng lãnh thổ, tức dưới trung bình của thế giới.Vì thế, với công nghệ 5G sắp tới, đây là cơ hội để Việt Nam thay đổi thứ hạng.
Triển khai thử nghiệm 5G tại Việt Nam:
Theo đó, Bộ TT-TT chủ trương cấp tần số 5G để thử nghiệm từ năm 2019 và đến năm 2020, khi thế giới bắt đầu triển khai 5G, Việt Nam sẽ là những nước đầu tiên triển khai 5G.
Đây là lúc các nhà mạng di động phải nhận thức được trách nhiệm của mình đối với đất nước. Và để bứt phá trong CMCN 4.0, mạng 5G phải đi trước và đi đầu.
Đầu tư trước kinh doanh sau phải là triết lý kinh doanh của tất cả nhà mạng. Muốn được như vậy, mạng 5G của Việt Nam phải vào loại tốt trên thế giới, để từ đây vươn ra chinh phục thế giới.